Phải chăng những người rao giảng “Trẻ em phải có tuổi thơ” khi chỉ trích bé Đỗ Nhật Nam mới chính là người đang trực tiếp đánh cắp tuổi thơ của cậu bé?
>> Đỗ Nhật Nam trả lời phỏng vấn gây tranh cãi
>> Phát ngôn của ‘thần đồng’ Đỗ Nhật Nam gây tranh cãi nảy lửa
>> Phát ngôn của ‘thần đồng’ Đỗ Nhật Nam gây tranh cãi nảy lửa
Một bài phỏng vấn già đời, “ông cụ non” của một cậu bé 11 tuổi đang trở thành đề tài nóng được bàn luận sôi nổi trong hai ngày qua. Một câu chuyện chỉ trở nên thu hút khi nó đáp ứng được một trong hai yếu tố: Được ủng hộ nhiệt tình hoặc bị chỉ trích kịch liệt. Và bất ngờ thay, Đỗ Nhật Nam – cậu bé được xưng tụng thần đồng nhưng vẫn chỉ đơn giản là một đứa trẻ con lại phải đón nhận hàng loạt dè bỉu, phán xét khắc nghiệt thậm chí là độc ác từ dư luận.
Nực cười hơn cả, những đối tượng đó “mổ xẻ” Đỗ Nhật Nam không dựa trên tài năng, sự hiểu biết của cậu bé, mà đi bấu víu vào một luận điểm: “Đứa trẻ này không có tuổi thơ”. Khi một đứa bé 11 tuổi già dặn, tài giỏi và có kiến thức hơn cả một người lớn bình thường, nghiễm nhiên nó bị xem là không có tuổi thơ.
Viết đến đây, bất chợt tác giả phải ngưng bút tự hỏi: Những “anh hùng bàn phím” đang nhiệt tình ném đá Đỗ Nhật Nam đã bao giờ có được khái niệm hoàn hảo, trọn vẹn nhất về “Một tuổi thơ hạnh phúc”? Và đã bao giờ thử tự nhìn lại ngày xưa, tuổi thơ của họ thực sự muốn điều gì?
![]() |
Đỗ Nhật Nam có thực không có tuổi thơ? |
Lượn một vòng trên các diễn đàn hoặc các trang mạng xã hội, chúng ta sẽ bắt gặp hàng loạt những “chân lý” kiểu: Một tuổi thơ đúng nghĩa là PHẢI đá bóng, thả diều, không PHẢI vùi đầu vào học hành sách vở. Khi thời gian dành cho kiến thức lấn chiếm hết thời gian dành cho vui chơi, đó là khi trẻ nhỏ không còn tuổi thơ.
Nếu nhìn vào lập luận trên – thứ vũ khí thường thấy của những người đang chỉ trích Đỗ Nhật Nam, có bao giờ chúng ta để ý thấy một chữ “PHẢI” luôn đi kèm? Chữ “PHẢI” đó là đại diện cho sự áp đặt, cho định kiến của phần đông chúng ta về bất cứ một vấn đề nào.
Đá bóng, thả diều chỉ mang lại hạnh phúc cho tuổi thơ khi đứa trẻ ấy thực sự có niềm đam mê với nó. Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao nhiều đứa trẻ chăn trâu lại thèm khát được đến trường học chữ, trong khi nhiều đứa trẻ đang ngày ngày cắp sách đi học lại ước muốn có thời gian chơi bời?
Nói tóm lại, một tuổi thơ đúng nghĩa là tuổi thơ mà đứa trẻ được sống với đúng niềm vui và sở thích của chúng, chỉ cần sở thích ấy là lành mạnh.
![]() |
Có thật một tuổi thơ đúng nghĩa là phải gắn với đá bóng, thả diều? |
Với Đỗ Nhật Nam, không có gì là sai trái khi cậu bé không yêu thích những thứ thông thường của trẻ con (tiêu biểu là truyện tranh). Một đứa trẻ đam mê về tri thức, văn hóa, xã hội không có hứng thú với truyện tranh là điều hoàn toàn dễ hiểu. Đỗ Nhật Nam cũng chẳng lên tiếng chê bai, dè bỉu sở thích của người khác, cậu bé đang đơn thuần nói lên suy nghĩ và góc nhìn của chính mình. Thật hài hước khi những người lớn chúng ta đi kỳ thị, định kiến một đứa trẻ chỉ vì đứa trẻ ấy không đồng nhất quan điểm với mình.
Đỗ Nhật Nam yêu sách, yêu kiến thức và thực sự muốn dành thời gian cho sở thích này. Cậu bé không hề chịu bất cứ áp lực hay sự ép buộc nào từ phía cha mẹ. Bởi vậy, chẳng có cơ sở nào để nói trường hợp của Đỗ Nhật Nam giống với hàng ngàn trường hợp của những đứa trẻ bị bố mẹ “nhồi nhét” phải học đêm học ngày nhằm kiếm được bằng cấp giỏi.
Đọc sách chính trị, xã hội, nghiên cứu là lựa chọn của Đỗ Nhật Nam và cậu bé đang hài lòng với chính lựa chọn này. Đấy đúng là tuổi thơ hạnh phúc của Đỗ Nhật Nam, một tuổi thơ có thể không giống với những đứa trẻ thông thường nhưng đáng để người lớn chúng ta tôn trọng.
![]() |
Đỗ Nhật Nam đã lựa chọn sở thích khiến cậu bé thấy hạnh phúc |
Bên cạnh đó, với những ai đang rao giảng và áp đặt định kiến về tuổi thơ của Đỗ Nhật Nam, họ mới chính là những người trực tiếp đánh cắp đi tuổi thơ của cậu bé.
Họ tự nhận lớn hơn về tuổi đời, kinh nghiệm với đứa trẻ 11 tuổi (lớn hơn nên mới giảng dạy cho bé thế nào là tuổi thơ). Vậy nhưng hành xử và lời nói của họ lại đang không bằng cả một đứa bé. Sự ném đá một cách độc ác của họ giờ đây không phải vì tuổi thơ của Đỗ Nhật Nam như họ tự ngộ nhận, mà chính là để thỏa mãn cái tôi nhỏ nhen, hèn kém núp sau thế giới mạng của mình.
Đối với Đỗ Nhật Nam, cậu bé vốn đã có những suy nghĩ già dặn hẳn đang không ngừng hoang mang, thậm chí là khủng hoảng khi đọc được biết bao ý kiến vô văn hóa, cực đoan, ác ý về mình. Và những người từng trực tiếp ném đá Đỗ Nhật Nam, họ mới đang là kẻ cướp đi tuổi thơ bình yên của một đứa trẻ.
Khi một lời nói gây tổn thương đến một người, đó là sự nhẫn tâm. Và khi lời nói ấy động chạm, vùi dập một đứa trẻ, nó còn trở thành tội ác.